Tình trạng trẻ nhỏ bị hắt hơi, sổ mũi xảy ra khá thường xuyên. Tùy theo các biểu hiện đi kèm khác nữa mà các bạn có thể kết luận sức khỏe của bé đang có vấn đề gì để đưa ra cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một vài căn bệnh và cách điều trị trẻ bị hắt hơi sổ mũi mà các cha mẹ nên biết.
1. Trẻ bị hắt hơi sổ mũi kèm đau họng, đau nhức cơ thể, có thể có sốt
* Nguyên nhân
Khi bé xuất hiện tình trạng sổ mũi, hắt hơi kèm với đau họng, đau nhức cơ thể, thậm chí xuất hiện dấu hiệu sốt thì có thể bé đã bị cảm lạnh rồi.
* Cách chăm sóc
– Khi gia đình có trẻ nhỏ cần luôn chuẩn bị sẵn một số vật dụng y tế có thể điều trị được chứng cảm lạnh trong tủ thuốc của gia đình, ví dụ như: nước muối sinh lý để nhỏ mũi, thuốc hạ sốt, nhiệt kế, máy tạo độ ẩm, dụng cụ hút mũi
– Nếu bé nhà bạn dưới 3 tháng tuổi thì khi thấy bé xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh cảm lạnh, ví dụ ho, chảy nước mũi, sốt thì nên đưa bé đến bác sĩ ngay
– Còn nếu bé trên 3 tháng tuổi và xuất hiện các dấu hiệu sốt cao, mất nước, ho ngày càng dữ dội hoặc khó thở, hoặc có các triệu chứng nhẹ nhưng đã xuất hiện khoảng hơn một tuần thì tốt nhất nên đưa bé tới gặp bác sĩ
– Khi bị chảy nước mũi bé thường cảm thấy rất khó thở. Vì vậy, các bạn có thể sử dụng nước nhỏ mũi để vệ sinh bên trong, các thiết bị hút mũi để làm sạch dịch nhầy trong mũi, giúp đường thở của bé thông thoáng hơn
– Tư thế ngủ tốt nhất đối với trẻ bị nghẹt mũi đó là nằm hơi nâng cao đầu. Các bạn có thể đặt thêm khăn ở phía dưới gối của bé để đầu của bé được nâng cao hơn, giúp bé dễ thở và đi vào giấc ngủ hơn
– Khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi do cảm lạnh các cha mẹ nên cho bé bú sữa và uống nước nhiều hơn
– Trong khi chữa cảm lạnh cho bé, mẹ cũng nên chú trọng cả việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Cần vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ bé và ngược lại
2. Trẻ bị hắt hơi sổ mũi kèm ho, sốt cao
(có thể trên 38 độ C), tiêu chảy, nôn trớ, mất cảm giác thèm ăn
* Nguyên nhân
Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi kèm theo ho, sốt cao, tiêu chảy, nôn trớ và mất cảm giác thèm ăn thì có thể bé đã bị cảm cúm. Thông thường từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là thời điểm trẻ nhỏ dễ bị cảm cúm nhất.
* Cách chăm sóc
– Đối với trường hợp này các cha mẹ nên có chế độ ăn uống phù hợp để giúp bé tăng cường sức đề kháng. Một số đồ ăn mà bé nên ăn là các thực phẩm dễ tiêu, ít dầu mỡ và có nhiều vitamin, khoáng chất. Ví dụ như các loại súp, trái cây, rau quả,…
– Các bé khi bị cảm, sốt cũng cần phải được uống nhiều nước. Ngoài nước lọc ấm, sữa ấm các bạn có thể cho bé uống nước chanh ấm, trà mật ong (nếu bé lớn) và tuyệt đối tránh nước lạnh cùng các loại nước uống gây kích thích khác
– Giấc ngủ sâu sẽ giúp bé có thêm năng lượng để chiến đấu với virus cúm. Vì vậy, các bạn cần giữ cho bé có không gian yên tĩnh
3. Trẻ bị hắt hơi sổ mũi, mắt bị ngứa và chảy nước, có thể kèm thêm ho
* Nguyên nhân
Các dấu hiệu hắt hơi, chảy nước mũi, mắt ngứa và chảy nước, kèm thêm ho khả năng lớn là bé đã bị dị ứng rồi.
* Cách chăm sóc
Cách xử lý tốt nhất khi bé bị dị ứng đó là đưa tới gặp bác sĩ để có thể xác định được nguyên nhân để có cách chăm sóc và điều trị phù hợp, kịp thời.
4. Các mẹ nên và không nên làm gì khi trẻ bị hắt hơi sổ mũi?
– Các việc nên làm:
Đối với trẻ bị hắt hơi sổ mũi các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
+ Sử dụng nước muối/thuốc xịt mũi: Các loại nước muối sinh lý và thuốc xịt mũi là dung dịch muối natri clorua 0.9% pha sẵn. Các bạn có thể sử dụng chúng để giúp rửa mũi hoặc làm ẩm mũi cho bé khi thời tiết hanh khô giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn
+ Dụng cụ hút mũi: Được sử dụng để giúp bé loại bỏ các chất nhầy khi sổ mũi. Nếu thấy bé bị ra nhiều nước mũi và dính thì các mẹ nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi lỗ hút mũi để giúp làm lỏng chất nhầy rồi mới hút
+ Mỗi ngày các mẹ có thể nhỏ và hút mũi cho bé khoảng 4 lần tới khi bé hoàn toàn không còn dấu hiệu sổ mũi, nghẹt mũi nữa. Nếu tình trạng sổ mũi, nước mũi của bé tiết nhiều các mẹ có thể thực hiện trên 4 lần/ngày
– Các việc không nên làm
+ Bôi tinh dầu vào ngực bé: Rất nhiều mẹ khi thấy trẻ bị hắt hơi sổ mũi thường bôi tinh dầu tràm, dầu camphor, menthol và hay dầu bạch đàn vào ngực cho bé bởi nghĩ rằng các loại tinh dầu này sẽ làm “ấm ngực”. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu sức khỏe thì việc này không hề có lợi ích gì đối với những trẻ bị hắt hơi sổ mũi cả. Thậm chí, đôi khi nó còn có thể khiến bé bị kích ứng
+ Ngoài ra, các mẹ cũng không nên lấy bông gòn chèn vào lỗ mũi của bé bởi nó làm cản trở sự tiết dịch, khiến dịch tràn vào cổ họng hoặc làm gia tăng bội nhiễm
Trên đây là một số nguyên nhân và cách điều trị tình trạng trẻ bị hắt hơi sổ mũi. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các cha mẹ chăm sóc bé tốt hơn.